Từ những khảo sát về insight, hành vi tiêu dùng của người Việt cho mùa Tết 2023, các số liệu đã chỉ ra mong muốn về một Tết Nguyên Đán “Cùng – Đi”: Cùng gia đình đoàn tụ và Đi trải nghiệm những hoạt động mới.  

 

Đại dịch Covid-19 đã gây ra nhiều mất mát và đau thương trên toàn cầu, đi cùng với nó là tình trạng suy thoái kinh tế. Điều này dẫn đến sự tuột dốc của các ngành hàng và mức chi tiêu của người dùng cũng giảm mạnh trong tình trạng kinh tế – tài chính khó khăn. Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là trong một năm trở lại đây, khi Việt Nam bước vào thời kỳ “bình thường mới” thì tình hình kinh tế – tài chính cũng đã bắt đầu khởi sắc.  Đặc biệt, nhu cầu đón một cái Tết Quý Mão 2023 an khang, thịnh vượng của người Việt cũng có xu hướng quay lại, hầu như ai cũng đang đi tìm lại một mùa lễ Tết như trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. 

 

 

Người Việt tìm về Tết “bình thường”

 

Trong khoảng thời gian dài chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tết của người Việt trở thành những cái Tết không “xê-dịch”, tuân thủ nghiêm quy định giãn cách và mất kết nối với họ hàng xa. Đó cũng là lý do khi “bình thường mới” trở lại, mong muốn của người Việt là quay về với những hoạt động quen thuộc trong ngày Tết Nguyên Đán. 

Tại sự kiện Think with Google – Winning Tết 2023 được tổ chức hồi tháng 7/2022, Google đã thực hiện khảo sát và thu lại kết quả về xu hướng mới của khách hàng trong mùa Tết năm nay, bao gồm: Sự trở lại của Tết truyền thống, Sự tăng tốc của Giải trí số trong dịp Tết, Đổi mới trong hành vi mua sắm Tết.

Đáng chú ý, xu hướng quay lại Tết truyền thống bao gồm 3 hoạt động chính đó là: gặp gỡ đoàn viên, du lịch và tham gia các lễ hội Tết.

 

 

Một nghiên cứu do Toluna thực hiện về thái độ của người tiêu dùng (bao gồm người có sử dụng và không sử dụng TikTok tại Việt Nam 6/2022) trong dịp Tết cũng cho thấy: 73% người tham gia khảo sát mong muốn đón Tết bình thường trở lại như thời điểm trước khi Covid-19 xảy ra, và 82% người tham gia khảo sát mong chờ được về nhà, đoàn tụ với gia đình vào dịp Tết 2023. Ngoài ra, khi Covid-19 đã giảm dần và giãn cách xã hội không còn siết chặt thì các hoạt động di chuyển như du lịch và những sự kiện lễ hội Tết cũng thu hút người Việt hơn. 

 

Một thói quen khác của người Việt cũng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 đó là gia tăng hoạt động tiêu thụ nội dung giải trí số. Các nền tảng video giải trí như Youtube trở thành lựa chọn của nhiều người với đa dạng nội dung như hài, hoạt hình, âm nhạc… Theo “Báo cáo xu hướng & Chiến lược tiếp thị năm 2023 của Blog HubSpot: Dữ liệu từ hơn 1.200 marketers trên toàn cầu”, video dạng ngắn sẽ tăng trưởng mạnh trong năm 2023. Trong đó, Youtube Shorts hay Tiktok là những nền tảng đăng tải video ngắn nhận được nhiều lượt xem ở thời điểm hiện nay.

Video dạng ngắn được dự đoán sẽ tiếp tục là xu hướng marketing năm 2023

 

Đặc biệt, vào dịp cuối năm, hành vi mua sắm của người tiêu dùng được ghi nhận sẽ tăng mạnh. Theo báo cáo của Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương), ước tính nhu cầu chi tiêu cho mua sắm Tết năm nay sẽ tăng khoảng 8 – 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Và hơn hết, thói quen mua sắm trực tuyến cũng tiếp tục được duy trì từ khi dịch Covid-19 xảy ra.  Cùng trong khảo sát của Toluna do TikTok ủy quyền, 74% người dùng TikTok ưa thích mua sắm Tết ở các cửa hàng, siêu thị, nhưng cũng có đến 55% duy trì thói quen mua sắm trực tuyến các mặt hàng Tết 2023. 

 

Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp khi người tiêu dùng đang ngày càng có nhiều lựa chọn với đa dạng chương trình khuyến mãi, kênh mua sắm truyền thống và trực tuyến cạnh tranh cao.

 

Vậy nên có thể thấy rằng, dù người tiêu dùng có xu hướng quay trở lại với các hoạt động ăn mừng Tết như trước đại dịch, tức là cùng gia đình đoàn viên, cùng đi du lịch, cùng tham gia hoạt động lễ hội, nhưng thói quen “siết chặt hầu bao”, mua sắm trực tuyến của thời điểm dịch vẫn còn. Do đó, cách truyền thông và tiếp cận khách hàng cũng cần khéo léo, nắm bắt nhu cầu thực tế của người tiêu dùng để lựa chọn phương thức truyền thông đúng đắn. 

 

Cần làm gì để “chạm” đến người dùng?

 

Trong bối cảnh mua sắm trực tuyến tiếp tục “lên ngôi” thì việc làm mới trải nghiệm mua sắm để thu hút và giữ chân khách hàng là hoạt động rất cần thiết. 

 

Các phương thức giải trí số như trò chơi, video ngắn tích hợp trong mua sắm sẽ là xu hướng “then chốt” cần được quan tâm.  Theo một báo cáo của TikTok và Tập đoàn tư vấn Boston (BCG), Shoppertainment (mua sắm kết hợp giải trí) là hình thức thương mại dựa trên nội dung có tính chất giải trí và định hướng người tiêu dùng, đồng thời kết hợp nội dung và cộng đồng nhằm tạo ra những trải nghiệm mua sắm phong phú. Xu hướng này mở ra lộ trình hấp dẫn để các thương hiệu cách mạng hóa cách họ tương tác với các đối tượng mục tiêu thông qua định dạng ưu tiên video (video-first) và có âm thanh.

 

 

Bên cạnh đó, khi mua sắm truyền thống và trực tuyến đan xen nhau thì để gia tăng hiệu quả của hoạt động marketing, các nhãn hàng cần chú trọng tính cá nhân hóa để tạo kết nối đến người tiêu dùng. Để làm được điều này, sự sáng tạo từ hình ảnh, nội dung và lồng ghép thông điệp, câu chuyện thương hiệu một cách tinh tế là yếu tố quan trọng quyết định sự hiệu quả của các hoạt động quảng bá. Đồng thời, sử dụng influencer kết hợp với các hoạt động này để lan tỏa thông điệp và tăng độ tin cậy cho thương hiệu cũng là xu hướng được Hubspot nhấn mạnh trong “Báo cáo xu hướng & Chiến lược tiếp thị năm 2023 của Blog HubSpot: Dữ liệu từ hơn 1.200 marketers trên toàn cầu”.

 

Và cuối cùng, cần có sự chuẩn bị và quản lý tối ưu đa kênh một cách toàn diện để chuyển đổi nhanh chóng phương thức mua sắm dành cho khách hàng. Việc có nhiều kênh mua sắm đã khiến người tiêu dùng không ngại trải nghiệm những kênh mới, lựa chọn giữa nhiều nền tảng bán hàng khác nhau. 

 

Xem xét một cách toàn diện, Tết 2023 là sự tìm về những thói quen truyền thống nhưng đồng thời cũng là sự đổi mới khi người Việt vừa bước qua một giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19. Vì vậy, để “chạm” đến tâm lý của người dùng, các thương hiệu và nhãn hàng cần có cái nhìn thấu cảm, toàn diện và đồng hành với khách hàng, từ đó tìm ra phương thức kết nối, truyền tải thông điệp truyền thông hiệu quả.

 

Hành vi, xu hướng tiêu dùng, insight Tết 2024 sẽ như thế nào? Quảng cáo Tết 2024 sẽ khai thác câu chuyện gì? Đón xem ở bài viết sau.

 

Thanh Trần & Vy Huỳnh

 

Bài viết có sử dụng hình ảnh từ chiến dịch Chọn Yêu Trọn – Chọn Me-O
Client: Me-O Vietnam
Creative Agency: P2P Digital
Nguồn tham khảo:
Think with Google – Winning Tết 2023, Google Việt Nam https://www.youtube.com/watch?v=BOCIk75Tj24
TikTok-BCG study finds Shoppertainment to be the next USD 1 trillion opportunity for Asia Pacific, Tiktok, https://newsroom.tiktok.com/en-sg/future-of-commerce-apac
Tet Express 2023, Tiktok, https://tiktoktetexpress2023.splashthat.com/
Maxwell Iskiev, The HubSpot Blog’s 2023 Marketing Strategy & Trends Report: Data from 1,200+ Global Marketers, Hubspot, https://blog.hubspot.com/marketing/hubspot-blog-marketing-industry-trends-report

Share:

Facebook
Twitter
Pinterest
LinkedIn
Email
On Key

Related Posts

On Key

Related Posts